Nhiều  chị em, “nhắm mắt” áp dụng nhiều chiêu giảm cân phản khoa học, không ít người bị rối loạn tiêu hóa mất nước trầm trọng, hạ huyết áp, suy kiệt, thậm chí có người vì nhịn ăn thanh lọc cơ thể mà bị tử vong. Vậy, hiểu đúng về béo phì và giảm cân thế nào cho đúng vẫn là một đề tài nóng giúp chị em thành công và không nguy  hại đến sức khỏe.

Nguyên nhân béo phì

Theo những nghiên cứu y khoa, nguyên nhân của bệnh béo phì đã được chứng minh là do chế độ ăn uống và cách sinh hoạt chưa hợp lý, kèm theo một số yếu tố khác như:

Di truyền: Béo phì có liên quan đến yếu tố gia đình rõ rệt, qua khảo sát ở những cha mẹ bị béo phì con cái của họ có tỉ lệ bị thừa cân cao hơn rất nhiều so với nhóm trẻ em mà cha mẹ chúng không bị béo phì.

Yếu tố tuổi tác: Y học đã xác định tỷ lệ bệnh béo phì ở các nhóm tuổi có sự phân bố khác nhau, phổ biến ở tuổi trung niên, có tỉ lệ cao nhất chiếm 25%, tuổi thanh niên là 7,4% và lứa tuổi thiếu niên là 3%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy béo phì có liên quan đến lượng vận động ở các nhóm tuối có sự khác nhau, nếu càng ít hoạt động thể lực, thì nguy cơ thừa cân, béo phì sẽ gia tăng.

Giới tính và nghề nghiệp: Phụ nữ dễ có nguy cơ thừa cân hơn nam giới, có thể số lượng tế bào mỡ ở nữ nhiều hơn nam giới. Bên cạnh đó, tính cách của giới nữ thường thụ động hơn giới nam.

Nghề nghiệp cũng có liên quan đến béo phì, những người lao động nhẹ, có tỷ lệ béo phì cao hơn những người phải lao động tay chân

Cần tăng cường vận động, tập thể dục phù hợp để tránh bị béo phì, bệnh tật.

Cần tăng cường vận động, tập thể dục phù hợp để tránh bị béo phì, bệnh tật.

Hệ lụy của béo phì

Nguyên nhân chính của thừa cân, béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Người có nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì bao gồm: người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu; người sống tĩnh lại; tuổi trung niên; phụ nữ sau khi sinh; trong gia đình có nhiều người bị béo phì; dân cư đô thị, nhân viên văn phòng;… Dấu hiệu dễ nhận thấy của béo phì là gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi,…

Khi bị béo phì, nhiều người chỉ quan tâm đến những ảnh hưởng dễ thấy về ngoại hình và vóc dáng. Còn “phần chìm của tảng băng” là tác hại của béo phì thì ít quan tâm, ít chú ý nhưng lại chính là những hệ lụy về sức khỏe và mọi mặt của đời sống.

Rất nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh béo phì là dấu hiệu cho những nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh lý. Khoa học đã chứng minh béo phì là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm về tim mạch, về các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, về hô hấp và xương khớp, dây thần kinh thị giác, một số bệnh lý ung thư,…

1001 cách đối phó béo phì

Tại các diễn đàn mạng, nhiều người thường “truyền tai” nhau cách giảm cân “cấp tốc” như kiêng ăn tinh bột, thậm chí nhịn ăn hoàn toàn, uống giấm, dùng thuốc xổ, móc họng… để giảm cân. Đáng lo ngại, những cách giảm cân tai hại này lại được truyền tai rất nhanh và nhiều người “bất chấp” làm theo. Nhiều chị em mặc cảm về cơ thể, nhiều lần quyết tâm chạy bộ nhưng được dăm hôm thì nản vì nhức chân. Chuyển sang lắc vòng, được 3 hôm, cũng ê ẩm hết vòng hông, xương chậu. Cô nàng bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm các loại thuốc giảm cân trên mạng. Uống thuốc đến ngày thứ hai, cô nàng đã bị xa xẩm mặt mày, không thể chịu được vì luôn trong tình trạng bị “xổ”, đi ngoài toàn nước.

Trên thực tế, số lượng béo phì đang ngày càng tăng cao. Nhiều cô gái có 3 vòng rõ rệt cũng ám ảnh sợ một ngày nào đó tỉnh giấc, bỗng thấy mình có vòng eo bánh mì. Và cuộc chiến ngăn chặn mỡ từ xa được tích cực tiến hành. Trong khi đó, những người có vòng eo bánh mì, thậm chí vòng eo lu nước, thì nhận thấy, nỗ lực giảm béo bằng nhiều phương pháp luôn thất bại, việc tái béo sau đó khiến họ tiếp tục đi tìm phương pháp mới thật hiệu quả. Từ hút mỡ giờ nhiều người nghe nói đến thắt dạ dày để giảm cân hiệu quả cũng được chị em mách nhau.  Vậy thực hư giảm cân thế nào hiệu quả mà không gây nguy hại gì đến sức khỏe là vấn đề đặt ra ở đây.

Giảm cân thế nào cho đúng?

Giảm cân là quá trình kết hợp một cách khoa học việc ăn kiêng và luyện tập thể dục, trong đó chế độ ăn uống hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu.

Nhiều người lầm tưởng ăn kiêng là phải nhịn ăn và bỏ bữa mới đem đến hiệu quả. Tuy nhiên, người ăn kiêng vẫn phải ăn uống đầy đủ các nhóm dinh dưỡng để vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu công việc hàng ngày. Ăn kiêng đúng cách, trước hết bạn cần giảm lượng thức ăn trong các bữa ăn, đồng thời chia 3 bữa ăn chính thành 5 bữa ăn nhỏ trong ngày.

Vẫn có thể ăn no vào buổi sáng vì những hoạt động trong ngày sẽ làm tiêu hao khoản năng lượng này. Nếu nhịn bữa ăn sáng, khiến cơ thể thiếu chất và dẫn đến tích trữ nhiều hơn vào bữa trưa và bữa tối, vì thế việc nhịn ăn sáng không những không giảm được cân mà còn bị tăng cân nhanh hơn. Tuy nhiên, vào buổi trưa và chiều nên ăn ít và hạn chế ăn mỡ, chất béo; Nên ăn chậm, nhai kỹ, nếu có thể nên kéo dài thời gian ăn. Không nên ăn thêm bất cứ thứ gì sau 7 giờ tối. Ngoài ra, cũng nên uống nhiều nước trong ngày để có cảm giác no bụng.

Về thức ăn, phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng nhưng hạn chế các chất tinh bột, đạm, mỡ, chất béo. Nên tăng cường ăn các loại đậu và chất xơ vì nó đem lại cảm giác mau no và không cung cấp nhiều calo. Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế ăn đường và bánh kẹo. Và yếu tố không kém phần quan trọng để đem lại hiệu quả cho giảm cân chính là nên tập thể thao và thể dục thường xuyên để có được cơ thể khỏe mạnh và săn chắc.

BS. Duy Long

Leave a Comment

Your email address will not be published.

0

TOP