Mối liên hệ giữa đường và viêm khớp dạng thấp

 

Những người bị viêm khớp dạng thấp có thể có các triệu chứng nặng lên sau khi tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường. Một nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ cho thấy thực phẩm chứa nhiều đường có thể làm tăng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như đau, sưng và cứng khớp. Những người bị viêm khớp dạng thấp đã được phát hiện có một loại kháng thể trong cơ thể của họ được gọi là kháng thể protein chống citrullinated – gọi tắt là ACPA (anti-citrullinated protein antibodies). Các kháng thể này có thể gây ra tình trạng viêm và gây ra viêm khớp dạng thấp. Các chuyên gia tin rằng nồng độ đường cao có thể khiến cơ thể tạo ra nhiều chất ACPA, hậu quả làm cho các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên tồi tệ hơn.

Đường và thực phẩm nhiều đường có thể làm tăng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Đường và thực phẩm nhiều đường có thể làm tăng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy, dùng quá nhiều đường có thể làm tăng nồng độ đường huyết, dẫn đến rối loạn chất béo, chất đạm và gây tổn thương mạch máu, dây thần kinh bao xung quanh ổ khớp. Đây là điều kiện để quá trình phá hủy màng bao hoạt dịch và sụn khớp ở bệnh viêm khớp dạng thấp diễn ra nhanh hơn. Những người sử dụng hàm lượng đường lớn trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày thường có mật độ xương thấp hơn hẳn. Xương bị rỗng và rất dễ gặp các tổn thương. Đồng thời nó còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khiến việc điều trị viêm khớp dạng thấp gặp nhiều khó khăn.

Đường cũng được chứng minh là ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ vi sinh vật đường tiêu hóa góp phần tăng cường và cân bằng hệ miễn dịch của cơ thể. Những người bị viêm khớp dạng thấp đã được phát hiện có hệ vi sinh vật đường ruột mất cân bằng và đường có thể “khuyến khích” sự phát triển của vi khuẩn xấu trong đường ruột, kết quả làm gia tăng tình trạng viêm toàn thân và có thể dẫn đến làm tăng tái phát triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy những phụ nữ uống 1 cốc soda có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn khoảng 60% so với những phụ nữ uống ít hơn 1cốc mỗi tháng.

Giảm lượng đường có làm giảm triệu chứng của viêm khớp dạng thấp?

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, chỉ cần giảm mạnh đường khỏi chế độ ăn uống, bệnh nhân sẽ giảm cân và giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Một trong những cách đơn giản nhất để cắt giảm một lượng lớn đường khỏi chế độ ăn là tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường. Đọc kỹ nhãn thực phẩm và kiểm tra nhãn dinh dưỡng, bạn có thể theo dõi lượng đường trong mỗi khẩu phần. Các bác sĩ khuyên những người bị viêm khớp dạng thấp nên giữ lượng đường bổ sung ở mức dưới 5% tổng lượng calo hàng ngày của bạn. Lượng đường và muối ăn khuyến cáo nên dùng: không quá 6 muỗng nhỏ (muỗng cà phê) đường cát và 1 muỗng nhỏ (muỗng cà phê) muối ăn cho mỗi ngày.

Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Các loại bánh kẹo, nước uống có ga, hoặc ăn mặn, ăn vặt thường xuyên có thể khiến hoạt động tái tạo xương khớp bị ảnh hưởng. Điều này gây ra các tác động xấu đến hoạt động của hệ xương khớp (nguyên nhân khởi phát khiến các khớp bị viêm). Do đó để phòng ngừa viêm khớp nên hạn chế các loại thực phẩm sau: bánh ngọt, nước ngọt, các món ăn vặt, thực phẩm muối chua… Với những người đang điều trị đường nếu muốn dùng đường thì nên dùng các loại đường giảm cân hoặc mật ong trong một số trường hợp để giảm bớt các tác động đến cân nặng và hệ thống xương khớp.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn có tính chất hệ thống và tiến triển dai dẳng. Bằng cách thay đổi một số thói quen ăn uống và theo dõi lượng đường ăn vào, những người bị viêm khớp dạng thấp có thể giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh lý tự miễn dịch này. Điều quan trọng bạn cần nhớ là viêm khớp dạng thấp là một rối loạn viêm mãn tính, vì vậy bất cứ thứ gì tạo ra tình trạng viêm trong cơ thể đều có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn, chẳng hạn như đường.

BS. Thanh Hoài

Leave a Comment

Your email address will not be published.

0

TOP