Nếu cơ thể được ví như một loài cây, thì tinh thần chính là hoa là quả của loài cây ấy.

Cây chỉ có thể đơm hoa kết trái khi cây được tươi tốt. Tinh thần con người trở nên lành mạnh khi được nuôi dưỡng bởi một cơ thể khỏe mạnh.

Dinh dưỡng là nhu cầu tất yếu của cơ thể, khi cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với thể trạng, sức khỏe sẽ được bảo đảm tốt, giúp kiểm soát sức khỏe và bệnh tật. Sự bất cập trong chế độ dinh dưỡng như ăn quá nhiều, ăn quá ít, ăn mất cân đối… đều có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Ăn quá nhiều gây nên tình trạng thừa cân, béo phì, các rối loạn chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… Ăn quá ít khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ các nguồn dưỡng chất, thiếu cân, giảm sức khỏe, thể trạng và triệt tiêu sức đề kháng.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, thực phẩm có mối quan hệ mật thiết với một số trạng thái tâm lý khác nhau, có ảnh hưởng đối với sức khỏe, tinh thần con người. Thực phẩm con người tiêu thụ cần phù hợp với đặc điểm nhóm máu (A, B, O, AB), để đáp ứng tốt nhất cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Yếu tố tinh thần, tâm lý…, cũng có thể gây nên những rối loạn ăn uống đối với con người.

Cuồng ăn: Một dạng rối loạn ăn uống liên quan đến vấn đề tâm lý, tinh thần, còn gọi là hội chứng “ăn vô độ tâm thần”. Những người mắc phải bệnh này thường không thể ngừng ăn và luôn luôn ăn một lượng lớn thức ăn trong một thời gian ngắn. Hội chứng cuồng ăn là nguyên nhân chính gây ra việc dư thừa dinh dưỡng, tăng cân, béo phì, ảnh hưởng đến nhiều bệnh lý khác như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, hô hấp, chuyển hóa… Tăng tỷ lệ tử vong so với người có thể trạng bình thường.

Cuồng và chán ăn

Phân biệt rối loạn cuồng ăn và người ăn nhiều hơn so với người bình thường có thể thực hiện thông qua việc thăm khám lâm sàng, quan sát hành vi ăn cũng như kiểm tra các dấu hiệu tinh thần có liên quan. Người ăn nhiều, dù tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm, nhưng vẫn có sự điều độ (ăn khi đói, khi căng thẳng…).

Người cuồng ăn thường có tình trạng ăn thiếu kiểm soát, ăn vô độ, không đói, không căng thẳng vẫn thích ăn. Cuồng ăn là một rối loạn tâm thần, ngoài hành vi cuồng ăn, bệnh nhân thường có các dấu hiệu liên quan  khác như bất thường về cảm xúc, hành vi, tư duy; các bác sĩ tâm thần, tâm lý có thể kiểm tra và nhận ra thông qua thăm khám.

Chán ăn: Ở chiều hướng ngược lại của cuồng ăn, đó là hội chứng “chán ăn tâm thần”. Ở mức độ nghiêm trọng, có thể gây suy kiệt cho cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt thậm chí là tính mạng. Vấn đề này có thể bắt đầu từ hành vi nhìn ăn giữ vóc dáng có chủ đích để rồi chuyển sang trạng thái chán ăn và gây ra chán ăn.

Về tâm lý, khi có chủ đích cố gắng thực hiện một hành vi, thì sau khoảng 3 tuần sẽ hình thành một thói quen. Để thay đổi một thói quen, cũng cần khoảng 3 tuần để thực hiện.

Trong vấn đề chán ăn, ở giai đoạn đầu, người bệnh có chủ đích ăn, dẫn đến việc giảm lượng thực phẩm tiêu thụ, thông qua việc thay đổi chế độ ăn, giảm lượng thực phẩm, cơ thể dần có sự thích ứng với thói quen ăn uống mới, từ đó hình thành tính cách ăn. Sự thích ứng này còn diễn ra đối với các đơn vị tham gia vào quá trình tiêu hóa, thông qua việc thay đổi tín hiệu dẫn truyền, giảm lượng tiết dịch tiêu hóa, thay đổi khả năng vận chuyển, hấp thu, chuyển hóa…,  khiến cơ thể thích nghi với giai đoạn này.

Cuồng và chán ăn

Sợ ăn: Một dạng rối loạn ăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề tâm lý. Người mắc chứng sợ ăn thường lo ngại, không dám ăn do sợ thực phẩm không an toàn, lo sợ thực phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, không tốt cho cơ thể … Ngoài ra, còn có một số vấn đề do sự sai lầm trong quan niệm ăn uống như “ăn uống thải độc”, “ăn thực dưỡng trị ung thư”… dẫn đến sự suy kiệt nghiêm trọng của cơ thể.

Các vấn đề rối loạn ăn uống có thể do nhiều nguyên nhân từ bệnh lý tâm thần, vấn đề tâm lý, thói quen, hành vi. Để khắc phục triệt để các vấn đề này, phải xác định đúng nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp, cần kết hợp nhiều phương pháp, tùy vào mỗi giai đoạn khác nhau. Nếu rối loạn ăn uống của bệnh nhân đến từ các vấn đề tâm thần thì cần có sự điều trị từ bác sĩ chuyên môn, thông qua thuốc cũng như các liệu pháp chuyên khoa.

Khi bệnh tâm thần cải thiện thì vấn đề rối loạn ăn uống cũng có thể được kiểm soát, nếu vấn đề rối loạn của bệnh nhân đến từ các yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo âu… thì các biện pháp điều chỉnh tâm lý để thay đổi nhận thức sẽ hữu ích. Mặt khác, cần điều chỉnh thay đổi thói quen, hành vi, chế độ dinh dưỡng. Có thể thay đổi hành vi cuồng ăn bằng một hành vi thay thế như tập trung tư duy, chơi thể thao… để kiểm soát hành vi này.

Chán ăn tâm thần còn gặp nhiều khó khăn hơn trong điều trị, bệnh nhân gặp nhiều vấn đề bệnh lý do hậu quả từ dinh dưỡng kém, hệ thống các cơ quan suy kiệt đi kèm việc chán ăn. Cần có sự can thiệp từ nhiều chuyên khoa như tâm lý, dinh dưỡng, tâm thần, bệnh lý liên quan… Cũng như sự hỗ trợ từ gia đình và sự phối hợp từ chính bệnh nhân, để dần trở lại thói quen ăn, nhằm lấy lại sự cân bằng cho cơ thể.

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố tiên quyết của một cơ thể sống, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Để có một cơ thể tráng kiện, một tinh thần khỏe mạnh, cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, để tránh những tác động tiêu cực do rối loạn ăn uống mang đến.

 

Theo phân tâm học, việc giải tỏa căng thẳng thông qua hành vi ăn đã đươc hình thành từ khi còn nhỏ, thông qua hành vi khóc => cho bú mẹ => ngưng khóc hoặc khóc => cho ăn => ngưng khóc. Điều này tạo nên cung phản xạ có điều kiện khi có vấn đề khó chịu, căng thẳng. Ăn sẽ giúp giải tỏa, tạo nên phản xạ ăn để “an toàn”, mỗi khi xảy ra căng thẳng. Điều này lý giải cho việc một số người thường có tình trạng ăn vặt khi gặp căng thẳng hay stress trong công việc, cuộc sống.

 

ThS.BS NGUYỄN MINH MẪN

Leave a Comment

Your email address will not be published.

0

TOP